Vùng đổi mới sáng tạo - Trọng tâm của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo
Đây cũng là nội dung trọng tâm trong xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương cho giai đoạn tiếp theo, là đề án đột phá tích hợp bao gồm các khu vực chức năng như văn phòng quản lý trung tâm; đô thị khoa học; Khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN)…
![](/Media/userfiles/images/Hinh%20tin%20bai/Vung%20doi%20moi%20sang%20tao/1.png)
Theo đề án, trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được quy hoạch tại thành phố Thủ Dầu Một, gồm các yếu tố: Hệ thống hành chính một cửa, hệ thống giáo dục đại học, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Trung tâm Thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương, khu đô thị chất lượng cao, phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, trung tâm logistics cho thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương còn có việc hình thành KCN KHCN tại huyện Bàu Bàng, đây sẽ là một cụm nối dài của Vùng trung tâm từ thành phố Thủ Dầu Một.
Với đề án, Thành phố mới Bình Dương, nơi tập trung các trung tâm quản lý, các trung tâm thương mại và dịch vụ cao, các trung tâm thực nghiệm FabLab, TechLab, nơi thí nghiệm thực tế, không gian sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp, khởi nghiệp và không gian sống hiện đại được xác định là trung tâm cho Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.
![](/Media/userfiles/images/Hinh%20tin%20bai/Vung%20doi%20moi%20sang%20tao/2.png)
![](/Media/userfiles/images/Hinh%20tin%20bai/Vung%20doi%20moi%20sang%20tao/3.jpg)
ĐƯỜNG MỸ PHƯỚC – TÂN VẠN – BÀU BÀNG ; VÀNH ĐAI 4
![](/Media/userfiles/images/Hinh%20tin%20bai/Vung%20doi%20moi%20sang%20tao/4.jpg)
ĐƯỜNG BẮC TÂN UYÊN – PHÚ GIÁO – BÀU BÀNG – ĐỒNG PHÚ
Vùng phát triển KHCN Bàu Bàng được định vị là cụm vệ tinh về phát triển KHCN của vùng trung tâm với nòng cốt là KCN KHCN, ngoài ra bao quanh là các KCN hiện hữu như: Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Cây Trường và Lai Hưng. Các chức năng và hoạt động chính trong KCN KHCN bao gồm: Giáo dục và đào tạo; nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật; các hoạt động thương mại hóa công nghệ của doanh nghiệp; công nghiệp sản xuất; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; quản lý cơ sở hạ tầng và chức năng quản lý.
Bà Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty ENCITY, đơn vị tư vấn Đề án cho biết, tại hội nghị vừa qua, nhiều nhóm giải pháp khác nhau đã được các đơn vị, các chuyên gia đưa ra như giải pháp về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cho đến câu chuyện nguồn nhân lực là giải pháp mang tính nền tảng, cần thực hiện trước tiên để hướng tới Vùng đổi mới sáng tạo.
![](/Media/userfiles/images/Hinh%20tin%20bai/Vung%20doi%20moi%20sang%20tao/5.png)
Có thể nói, việc phát triển các KCN theo hình thức tập trung của Bình Dương trong những năm qua đã rất thành công. Để tiếp tục thành công trong thực hiện tích hợp KCN KHCN, tỉnh Bình Dương cần thúc đẩy mô hình ba nhà. “Bình Dương với chính quyền năng động hiện đang phát triển mô hình thông minh theo hướng công nghiệp công nghệ cao nhiều hơn. Qua những điều kiện cho thấy, Bình Dương rất triển vọng để phát triển, hiện thực hóa Đề án Vùng đổi mới sáng tạo”, bà Vương Phan Liên Trang chia sẻ!
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC, đơn vị tham mưu đề án, cho biết, trong giai đoạn mới, yêu cầu mới, đề án sẽ giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới…
Từ đó, một mặt giúp nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới; mặt khác, giúp phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế Bình Dương, giúp cho Bình Dương có một nền tảng vững chắc tiến vào kỷ nguyên số.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam:
Về chủ trương, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cao việc xây dựng và triển khai Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương và việc quy hoạch KCN KHCN tại huyện Bàu Bàng.
Theo đó, các nội dung chính cần triển khai cụ thể: Về quy hoạch đô thị, giao thông, sẽ triển khai các nhiệm vụ phê duyệt quy hoạch tổng thể Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương; trong đó sử dụng Thành phố mới Bình Dương là tâm điểm để bắt đầu và chuyển hướng phát triển sang các KCN của tương lai.
Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; trong đó, tập trung vào việc không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp.
Phát triển cân bằng nền kinh tế, bao gồm: Phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ: kết nối hợp tác quốc tế, tiếp tục đầu tư mở rộng các quan hệ đối tác quốc tế (WTC, Horasis, ICF) để hỗ trợ và thu hút các nguồn đầu tư quốc tế FDI.
Chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, Chính phủ số, thương mại điện tử; trong đó, tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội và chuyển đổi số cơ quan quản lý Nhà nước theo hướng thay đổi về tư duy…