Tết Cổ truyền của người Khmer gọi là Chol Chnam Thmay (ngày thay năm cũ vào năm mới) hay còn gọi là Lễ “chịu tuổi”. Tết Chol Chnam Thmay không có thời gian nhất định, mỗi năm mỗi ngày giờ khác nhau nhưng thường tổ chức vào đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch) - đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong giai đoạn nông nhàn có thêm điều kiện vui Tết. Ăn Tết xong, người dân chuẩn bị đón mùa mưa, mừng mùa vụ mới.
Năm nay Tết Chol Chnam Thmay diễn ra trong 3 ngày (14,15 và 16/4 dương lịch). Thông thường những ngày này người Khmer tập trung vào chùa. Tại chùa, các vị Chư tăng tổ chức lễ với những nghi lễ, ý nghĩa khác nhau. Ngày thứ nhất có tên gọi là Sang-kran “bước đi, tiến tới”. Ngày thứ hai gọi là Wana-bot “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lơn-Sắtk (tiến lên, tăng lên). Gần đến ngày Tết các vị chức việc của các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer (như A-Cha, Ban Quản trị) quy tựu các con em Phật tử, mọi người cùng với Chư tăng tập trung dọn dẹp, trang trí sơn phết lại chùa với nhiều màu sắc sặc sỡ.
Còn nhà của các gia đình đồng bào dân tộc Khmer ngày nào cũng tập trung ăn mặc đẹp, mọi nhà đều sửa sang, quét dọn, trang trí lại, chuẩn bị đồ ăn, thức uống, bánh trái, hoa quả, cá thịt… tất cả đều sẵn sàng đầy đủ cho những ngày Tết. Cho dù giàu hay nghèo đều không thể thiếu được Num-Chrụt (bánh tét), Num-Tean (bánh ít) và Num-Kha-Nhây (bánh gừng),… các loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer, dùng để cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên, làm lễ vật, đi chùa và để tiếp khách trong những ngày Tết.
Vào đêm giao thừa, mọi nhà đều thắp nhang đèn, hoa quả, ly nước ướp hương hoa,… cúng trên bàn thờ trước sân nhà để tiễn vị Chư thiên cũ (Khmer gọi là Thần Têu-va-đa) và rước vị Thần Têu-va-đa mới xuống cai quản đất đai, thổ trạch. Đồng bào dân tộc Khmer tin rằng hàng năm Thần Têu-va-đa đều luân phiên nhau xuống một vị để cai quản dương thế trong một năm, cho nên đồng bào dân tộc Khmer rất tôn kính, ngưỡng mộ và trong đêm giao thừa mọi người ngồi xếp chân trước bàn thờ sân nhà, khấn vái để vị Thần Têu-va-đa năm mới ban phước lành cho cả gia đình trong năm.
Hội trong những ngày Tết của người Khmer được tổ chức với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi, trong đó có nhiều trò chơi dân gian như đập nồi, kéo co, bịt mắt bắt dê, ném chuông (ném coòng),... Tại nước bạn, trong 3 ngày này người dân được nghỉ, không làm việc và cũng không có các hoạt động buôn bán, mọi người thường đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc phúc tài lộc, sức khỏe, phát đạt và cùng nhau tham gia các hoạt động vui chơi.
Các phong tục trong ngày Tết
Té nước
Vào ngày Tết, người dân sẽ tổ chức lễ hội té nước để cầu may, bình yên cho cả năm. Đối với người dân, lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no, hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.
Vào ngày đầu tiên của Tết, người ta quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Nước được ướp hương hoa hoặc hương liệu thiên nhiên. Về sau người ta còn cho cả kem và bột.
Vào buổi chiều, người dân sẽ tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó tượng Phật được rước ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để bôi vào người làm phước. Người ta còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa.
Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng; bạn bè té nước vào nhau. Họ không chỉ té nước vào người mà còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người dân tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.
Tục lệ té nước (tạt nước) trong ngày Tết cũng có phần do thời tiết nóng bức. Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành.
Xây tháp cát
Cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Có hai cách để làm tháp bằng cát. Người ta có thể làm ngay tại bãi biển hoặc dâng cát cho chùa. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm, được dâng cúng để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới.
Hái hoa tươi
Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn mọi người trong làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật. Trong khi đi hái hoa người ta chơi trống và các nhạc cụ cổ truyền. Những người khác thì đem nước đến lau rửa hoa.
Phóng sinh
Các loài động vật như rùa, cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác được phóng sinh. Người ta tin rằng trong dịp Tết ngay cả động vật cũng cần được tự do.
NV.