Đây là một trong những nội dung được đề cập đến tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế-xã hội vào vùng dân tộc và miền núi diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 10/12/2015, một hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc trong việc tăng cường thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời trao đổi, thảo luận về phương hướng, kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động các nguồn lực trong và ngoài nước để cùng chung tay cải thiện điều kiện sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án 2214, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai, xây dựng chương trình kêu gọi đầu tư, viện trợ từ các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, các bộ, ngành trung ương và địa phương, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hút được vốn đầu tư và viện trợ không hoàn lại trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến khoản hỗ trợ 500 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm phát triển các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 250 triệu đô la Mỹ từ WB để thực hiện “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” giai đoạn 2015-2021 tại 7 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình và Điện Biên hay dự án “Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 trị giá 277 triệu đô la Mỹ, dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường vùng miền Trung trị giá 200 triệu đô la do ADB tài trợ….
Nói đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số không thể không nhắc đến vai trò của các tổ chức phí chính phủ nước ngoài (TCPCPNN), trên cả nước, riêng 6 tháng đầu năm 2015, các TCPCPNN đã triển khai 2.380 chương trình/dự án và khoản viện trợ với tổng giá trị giải ngân ước tính là 105,5 triệu USD. Hoạt động của các TCPCPNN đặc biệt tập trung nhiều vào những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, giá trị giải ngân cho 24 tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (trên 15%) đạt mức 28,6 triệu USD. Sự hỗ trợ của các TCPCPNN không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn ở những mô hình hay, những cách làm mới giúp bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm từ đó cải thiện được đời sống một cách bền vững.
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến,Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ban ngành, cộng đồng các nhà tài trợ đồng thời bày tỏ hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự chung tay góp sức của các nhà tài trợ, các cơ quan hữu quan nhằm hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn./.
Bài và ảnh: Huyền Anh
|