Kinh nghiệm vận động, tập hợp nhân dân của Cộng hòa Singapore
Singapore ngày nay
Singapore là một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo, diện tích 714km2, có 5,47 triệu dân, trong đó: 74,5% người Hoa, 13,5% người Mã Lai, 9% người Ấn Độ, 1-2% các dân tộc khác, có 42,5% tín đồ Phật giáo, 14,4% tín đồ Hồi giáo, 8,5% tín đồ Lão giáo, 4% tín đồ Hindu giáo, 9,8% tín đồ Thiên Chúa giáo, 14,8% dân số không theo tôn giáo. Năm 1965, khi giành được độc lập, Singapore là một nước nghèo: 50% dân số không có việc làm, 500.000 người dân không có nhà ở, phải sống trong các khu ổ chuột (chiếm 1/3 dân số). Đất nước hầu như không có tài nguyên, phải nhập khẩu cả lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt… Thế nhưng Singapore đã phấn đấu và phát triển nhanh chóng. Từ năm 1960 - 2014, GDP Singapore tăng từ 0,7 tỷ USD lên 307,86 tỷ USD (tăng gần 440 lần); GDP đầu người tăng từ 428 USD lên 56.264 USD. Năm 2015, GDP bình quân đầu người đã đạt 61.567,28USD, cao nhất châu Á, đứng thứ 7 thế giới. Đời sống xã hội hài hòa, ổn đinh, tỷ lệ thất nghiệp thấp, hơn 30 năm hầu như không có biểu tình, bãi công. Mức sống của người dân được nâng cao rất nhiều, toàn dân được hưởng những dịch vụ thuộc tốp đầu thế giới về nhà ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường... Singapore là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện 80% hộ gia đình đều có nhà ở mua bằng tiền của mình. Các thành tựu về khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, bảo vệ môi sinh vào hàng tiên tiến nhất châu Á, là quốc gia đứng thứ nhất về chỉ tiêu quốc gia liêm khiết (9,3 điểm), đứng thứ nhì về chỉ tiêu cạnh tranh toàn cầu, xếp thứ 26 về chỉ tiêu phát triển con người (HDI) với 0,866 điểm, thuộc nhóm HDI cao.
Theo đánh giá, nhận xét của một số học giả, ngoài việc lựa chọn được một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thích hợp, Singapore đã đào tạo, bồi dưỡng, bố trí được một đội ngũ lãnh đạo có kiến thức, trình độ cao, Đảng hành động nhân dân và Chính phủ Singapore đã làm tốt công tác vận động, tập hợp nhân dân, giành được sự tín nhiệm cao của người dân.
Kinh nghiệm vận động, tập hợp nhân dân
Những năm 1950, 1960, xung đột sắc tộc dẫn đến hỗn loạn về chính trị đã làm cho Singapore đã nghèo lại càng nghèo thêm, xã hội bị phân chia thành nhiều nhóm với các khuynh hướng khác nhau.
Ngày 01/7/1960, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu, Hiệp hội nhân dân Singapore ra đời do chính Thủ tướng làm Chủ tịch Hiệp hội với mục đích: Xây dựng và cầu nối cộng đồng thành một dân tộc, một Singapore.
Hiệp hội nhân dân Singapore (PA) được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, gồm có Ban Chấp hành là 8 thành viên được chỉ định và 4 thành viên được bầu, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng làm Giám đốc điều hành Hiệp hội. Hiệp hội hình thành các trung tâm cộng đồng ở cơ sở, đó là nơi tổ chức các cuộc họp, các hoạt động cho các tầng lớp nhân dân, là nơi kết nối giữa nhân dân với Chính phủ bằng các hình thức cung cấp thông tin liên quan, các thông tin phản hồi về chính sách và mối quan tâm của đất nước. Hiệp hội xây dựng được 2.000 tổ chức cấp cơ sở với khoảng 34.000 tình nguyện viên. Mạng lưới các tổ chức cấp cơ sở trong Hiệp hội bao gồm: Ủy ban tư vấn của công dân, Ủy ban quản lý câu lạc bộ cộng đồng, Ủy ban khu dân cư, Ủy ban láng giềng, đoàn thanh niên, câu lạc bộ thiếu niên, câu lạc bộ thể thao cộng đồng, Ủy ban cứu trợ khẩn cấp, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi…, mỗi tổ chức đều có vai trò, chức năng riêng của mình dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội nhân dân Singapore.
Ủy ban tư vấn của công dân có chức năng truyền đạt thông tin hai chiều; chuyển nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân đến chính quyền và các chính sách của chính quyền đến người dân. Ủy ban quản lý câu lạc bộ cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa, giáo dục, giải trí thể thao để thúc đẩy sự hòa hợp chủng tộc và gắn kết xã hội. Ủy ban khu dân cư có chức năng gắn kết cư dân với nhau để thuận lợi trọng quản lý, đồng thời giao tiếp giữa các khu dân cư với Chính phủ.
Đoàn thanh niên là tổ chức vận động, tập hợp, quản lý các hoạt động của thanh niên trong một câu lạc bộ cộng đồng (từ 18 đến 35 tuổi) và các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật. Câu lạc bộ thiếu niên là tổ chức của các hoạt động giáo dục, giải trí, thể thao và các hoạt động dịch vụ cộng đồng nhằm mục đích làm phong phú thêm cuộc sống của thiếu niên ở Singapore và truyền cảm hứng để họ đóng góp cho cộng đồng. Hội phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc tập hợp phụ nữ từ các tầng lớp xã hội để thúc đẩy sự liên kết cộng đồng, nuôi dưỡng phẩm chất lãnh đạo ở phụ nữ và giúp đỡ những phụ nữ kém may mắn. Hội Người cao tuổi là tổ chức của những người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên) với những hoạt động nhằm phát huy nguồn lực, kinh nghiệm của người cao tuổi và thực hiện việc an sinh xã hội để người cao tuổi có thể sống lành mạnh, có ý nghĩa trong cộng đồng… Nhờ các hoạt động của Hiệp hội nhân dân Singapore chủ yếu là ở cơ sở và hoạt động ngoài giờ hành chính nên việc vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân rất có hiệu quả. Trên cơ sở đó, đã góp phần quan trọng giúp Đảng hành động nhân dân và Chính phủ Singapore gắn kết chặt chẽ với dân.
Bên cạnh hoạt động vận động, tập hợp nhân dân rất có hiệu quả của Hiệp hội nhân dân Singapore, các đại biểu Quốc hội cũng thường xuyên gắn bó với nhân dân. Đảng hành động nhân dân Singapore quy định các đại biểu Quốc hội của Đảng phải dùng thời gian ngoài giờ làm việc, bỏ tiền lương của cá nhân lo cho việc tiếp xúc cử tri trong khu vực bầu cử của mình với tần xuất một tuần một buổi, chủ yếu là buổi tối. Cá nhân đại biểu Quốc hội phải có lịch tiếp dân và tiếp từng công dân một (không tiếp tập thể) để công dân có điều kiện trình bày rõ ý kiến, nguyện vọng của mình. Các đề xuất chính đáng của cử tri đều được đại biểu Quốc hội chuyển ngay đến cho người có trách nhiệm của chính quyền giải quyết. Cách tiếp dân này thực sự có hiệu quả, giúp Đảng, chính quyền hiểu dân, gần dân, tránh tiếp dân một cách hình thức.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, bài học kinh nghiệm vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân ở Cộng hòa Singapore rất đáng để chúng ta nghiên cứu, tham khảo.
Nguồn: Tạp chí Dân vận số 5/2016