Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình trong 90 năm qua (18/11/1930 - 18/11/2020), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân một cách tích cực và chủ động. Qua từng giai đoạn phát triển của đất nước và cách mạng Việt Nam, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận ngày càng chứng tỏ và phát huy được lợi thế của đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước.
![](/Media/userfiles/images/Hinh%20tin%20bai/02/2-1.jpg)
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương và Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Champasak đã tiếp tục nhất trí ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2019-2024.
Từ lịch sử dân tộc và thực tiễn cách mạng, Bác Hồ đã đúc kết chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Người cũng đã nói: “Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới…”. Sự đoàn kết ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi dân tộc, mà nó được ra phạm vi trên toàn thế giới. Ngay từ những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến việc phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với tất cả các nước ở khắp các châu lục để mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam, nó giúp chúng ta không đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ chính nghĩa, giành độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước chính là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh”.
Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác đối ngoại nhân dân, Điều 13 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện và mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân trong khu vực và trên thế giới theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng của đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, do Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức nhân dân là các thành viên của Mặt trận Tổ quốc từ trung ương đến địa phương tiến hành, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, tạo dựng mạng lưới bạn bè quốc tế, gây dựng quan hệ quần chúng, nền tảng nhân dân cho hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước, để đóng góp vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
![](/Media/userfiles/images/Hinh%20tin%20bai/02/2-2.jpg)
Tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân nghèo của tỉnh Champasak-CHDCND Lào
Đối ngoại nhân dân là hoạt động đối ngoại có sự tham gia rộng rãi của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở các cấp không nhân danh Đảng, Nhà nước và Chính phủ; của các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, nhà báo, đồng bào các tôn giáo, các dân tộc, các doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế; của các tổ chức từ thiện, nhân đạo, bảo vệ môi trường; của nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Lợi thế của công tác đối ngoại nhân dân là có nội dung, phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, có tiếng nói linh hoạt, có thể tiến hành các biện pháp đối ngoại trên một số vấn đề, ở những nước và trong những hoàn cảnh cụ thể mà đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước không có lợi thế bằng.
Đối ngoại nhân dân là khái niệm rất rộng, có thể hiểu đối ngoại nhân dân là nhân dân tham gia hoạt động đối ngoại, mọi tổ chức và cá nhân đều có thể là chủ thể của hình thức đối ngoại này. Thực chất công tác đối ngoại nhân dân là công tác dân vận, vận động nhân dân Việt Nam ở trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn chủ trương chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, coi trọng phát triển quan hệ có chiều sâu với nhân dân các nước láng giềng và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của tỉnh, củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống, đồng thời, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tranh thủ tình cảm và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam và Bình Dương.
![](/Media/userfiles/images/Hinh%20tin%20bai/02/2-3.jpg)
Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm và tặng quà Trường Tiểu học Việt Kiều tại tỉnh Champasak-Lào, tháng 10/2019
Trên nền tảng quan hệ hữu nghị và hợp tác của tỉnh Bình Dương, Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và các hội hữu nghị nhân dân của tỉnh đã triển khai rất tích cực, hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước. Công tác đối ngoại nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tích quan trọng nổi bật, cụ thể như sau:
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của của Đảng và Nhà nước ta, nhất là Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế”, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
- Tổ chức các hoạt động quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác truyền thống: Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Champasak; Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Kratie; đã phối hợp và tham gia tổ chức, tham gia các hoạt động có ý nghĩa (đoàn ra, đoàn vào) nhân kỷ niệm các ngày lễ, tết truyền thống và ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên như: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ Thập đỏ, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương… cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, từ thiện nhân đạo, trao đổi đoàn với các tổ chức tương đồng của Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua đó, đã góp phần tăng cường sự gắn bó, hợp tác hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Nhật Bản...
- Công tác vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai. Trong những năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu thực hiện tốt công tác vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhìn chung các dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đều hoạt động có hiệu quả và thực hiện viện trợ đúng đối tượng, góp phần cải thiện đời sống người dân nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật bẩm sinh, nạn nhân bị nhiệm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.
Đối với các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của tỉnh, như: Thành phố Daejeon (Hàn Quốc), Thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), Vùng Emillia Romagna (Ý), tỉnh Đông Flandres (Bỉ), Thành phố Eindhoven và Thành phố Emmen (Hà Lan); Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng hình ảnh người Bình Dương thân thiện, nghĩa tình, giàu lòng nhân ái, chấp hành pháp luật; tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, giáo dục với các tổ chức nhân dân tương đồng; phối hợp vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tranh thủ nguồn lực đầu tư hỗ trợ an sinh xã hội và dư luận quốc tế để ủng hộ sự phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc; phát huy vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc làm cầu nối trong công tác đối ngoại, phát triển, mở rộng đối tác.
Tóm lại, trong suốt chiều dài lịch sử của mình trong 90 năm qua (18/11/1930 - 18/11/2020), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân một cách tích cực và chủ động. Qua từng giai đoạn phát triển của đất nước và cách mạng Việt Nam, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận ngày càng chứng tỏ và phát huy được lợi thế của đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước. Những năm qua, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng phát triển theo hướng tiếp tục mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước; tăng cường công tác vận động viện trợ phi chính phủ, góp phần nâng cao uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam, Bình Dương trên trường quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động nhằm tăng cường, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng, các tổ chức tương ứng, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo, tín đồ, các nhà khoa học nổi tiếng, các bạn đồng nghiệp trên thế giới cũng như quan hệ với các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế.