Đại sứ Nhật Bản: Hà Nội là nơi giao thoa giữa truyền thống lịch sử và sức sống mới
Ngắm nhìn Văn Miếu, di tích Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội - những dấu tích của kinh đô xưa, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cảm thấy thực sự xúc động và cảm nhận rõ nét bề dày lịch sử của Hà Nội.
![Đại sứ Nhật Bản: Hà Nội là nơi giao thoa giữa truyền thống lịch sử và sức sống mới- Ảnh 1. Đại sứ Nhật Bản: Hà Nội là nơi giao thoa giữa truyền thống lịch sử và sức sống mới- Ảnh 1.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2024/10/10/dai-su-nhat-ban-17285265052621728660166.jpg)
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ cảm nhận của ông về Hà Nội, về triển vọng hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương của Nhật Bản.
Ngày giải phóng Thủ đô - thời khắc lịch sử đặc biệt quan trọng của Hà Nội
Đại sứ Ito Naoki cảm thấy vinh dự khi được cùng người dân Việt Nam đón mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô - thời khắc lịch sử đặc biệt quan trọng đối với đất nước Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Đại sứ Ito Naoki cho biết, trong gần 5 tháng kể từ khi nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông đã đi thăm nhiều địa danh ở Hà Nội và ông thực sự xúc động khi được ngắm nhìn Văn Miếu - ngôi trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam, di tích Hoàng thành Thăng Long - nơi lưu giữ những dấu tích của kinh đô xưa, cùng Cột cờ Hà Nội với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió. Những truyền thống xa xưa vẫn hiện hữu khắp nơi trong khu phố cổ, khiến ông cảm nhận rõ nét bề dày lịch sử của Hà Nội.
Mặt khác, ông lại thấy một thành phố Hà Nội hiện đại với các dãy nhà cao tầng và trung tâm thương mại mới san sát nhau. Hà Nội chính là nơi giao thoa giữa truyền thống lịch sử và sức sống mới.
Nhật Bản nhất quán hỗ trợ Việt Nam phát triển
Về kết quả và triển vọng hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương của Nhật Bản, Đại sứ cho biết, 40 năm kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới và hơn 30 năm Nhật Bản nối lại hợp tác kinh tế với Việt Nam, Nhật Bản luôn nhất quán hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ và hợp tác với Hà Nội xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu như Sân bay quốc tế Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Bệnh viện Bạch Mai…
Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là dự án ODA của Nhật Bản hiện đang triển khai tại Hà Nội. Dự án này sẽ giúp cải thiện nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Tô Lịch và sông Lừ, cũng như cải thiện môi trường sống của khu vực xung quanh.
Việt Nam cũng đang thảo luận về kế hoạch thực hiện Tuyến đường sắt đô thị số 2 ở Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng, góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Đại sứ cho biết, khi kế hoạch được phê duyệt, nếu phía Việt Nam yêu cầu, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác.
Trong lĩnh vực giáo dục, Trường Đại học Việt Nhật - Đại học Quốc gia Hà Nội là công trình hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trường được thành lập năm 2014 và sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập vào năm nay, dự kiến tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và khuôn viên trường Đại học Việt Nhật cơ sở Hòa Lạc.
Thành phố thông minh Bắc Hà Nội cũng là một trong những dự án đầu tư tư nhân lớn nhất của Nhật Bản và Việt Nam. Đại sứ hy vọng, Thành phố thông minh Bắc Hà Nội sẽ trở thành biểu tượng mới cho tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, mang đậm dấu ấn văn hóa và ứng dụng công nghệ của Nhật Bản liên quan đến lĩnh vực IoT, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thân thiện với môi trường, …
Về hợp tác đầu tư, hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 800 doanh nghiệp ở miền Bắc. Năm ngoái, tổng giá trị đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam lên tới khoảng 6,6 tỷ USD.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, với kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 45 tỷ USD vào năm 2023, gần gấp đôi so với 10 năm trước. Ngài Đại sứ kỳ vọng có thể đạt được 100 tỷ USD trong 10 năm tới.
Thành phố Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ với thành phố Yokohama, tỉnh Fukuoka, thành phố Tokyo và tỉnh Saitama, tăng cường giao lưu trên nhiều lĩnh vực như môi trường, kinh tế, nông nghiệp, giáo dục... Sự hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đa dạng giữa các địa phương sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời cũng xúc tiến phát triển du lịch, thương mại và đầu tư của hai nước.
Về các hoạt động quảng bá văn hóa, con người Hà Nội nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhân dân giữa hai quốc gia trong thời gian tới, Đại sứ Ito Naoki cho rằng, việc tăng cường giao lưu giữa địa phương hai nước sẽ thúc đẩy du lịch tăng trưởng. Năm 2023, số lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản cao kỷ lục với hơn 570.000 lượt người. Đại sứ mong muốn vào năm 2030, con số này sẽ tăng lên 1.000.000 lượt người.
Đại sứ quán Nhật Bản đã và đang phối hợp với các cá nhân và tổ chức đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Nhạc trưởng Honna Tetsuji, Giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam là biểu tượng cho sự giao lưu nghệ thuật Việt – Nhật, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau thông qua âm nhạc.
Bên cạnh đó, lễ hội "KANAGAWA FESTIVAL in HANOI" do tỉnh Kanagawa và thành phố Hà Nội đồng tổ chức đã diễn ra 4 lần, thu hút tổng cộng khoảng 320.000 khách tham quan. Lễ hội này bắt đầu từ năm 2019 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam và từng bị gián đoạn do dịch COVID-19. Năm nay, lễ hội dự kiến được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 11.
Nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/
https://thanglong.chinhphu.vn/dai-su-nhat-ban-ha-noi-la-noi-giao-thoa-giua-truyen-thong-lich-su-va-suc-song-moi-103241010092235634.htm
(Th.H)