Chuyên đề: Tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc, quản lý và bảo vệ biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia
Trong những năm qua, công tác phân giới cắm mốc luôn được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm, chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn để triển khai khối lượng lớn công việc. Công tác phân giới trên thực địa cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nhân dân hai nước. Với Campuchia, Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.137km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) và tiếp giáp với 09 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svayrieng, Preyveng, Kandal, Takeo và Kampot).
Ngày 22-12-2020, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, hai bên đã tổ chức lễ trao đổi văn kiện “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia”, ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền mà hai bên đã đạt được (khoảng 84%). Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu tiến trình dài đàm phán, giải quyết các vấn đề biên giới giữa hai nước, thể hiện sự quyết tâm, thiện chí và nỗ lực của cả Việt Nam và Campuchia trong việc cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới chung; đồng thời đây cũng là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình gần 40 năm giải quyết biên giới đất liền giữa hai nước, góp phần củng cố và nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, thể hiện phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận. Hai văn kiện này sẽ là khung pháp lý cơ bản cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia trong tình hình mới, bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Về những thành quả cụ thể của công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền mà hai nước đã đạt được thời gian qua:
+ Xây dựng được 314/371 cột mốc chính (đạt 84,6%); phân giới được khoảng 929/1.137 km đường biên giới (đạt khoảng 81,7%); quy thuộc được 111 cồn bãi trên sông suối biên giới; hoàn thành việc hoán đổi các diện tích quản lý vượt quá sang nhau theo "Bản ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực tồn đọng giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia" (MOU) và áp dụng mô hình MOU tại 06 cặp tỉnh, trong đó có 04 cặp tỉnh đã thực hiện bao gồm: Tây Ninh - Tboung Khmum, Svayrieng; Đồng Tháp - Preyveng; An Giang - Takeo và Kiên Giang - Takeo, Kampot (vẫn còn tồn đọng một số khu vực chưa hoàn thành việc hoán đổi đất theo mô hình MOU tại các cặp tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk - Rattanakiri, Mondulkiri và Long An - Svayrieng).
+ Thống nhất bổ sung 1.530 cột mốc phụ, 210 cọc dấu trên thực địa để làm rõ thêm hướng đi của đường biên giới. Đến nay đã xác định vị trí trên thực địa được 907/1.530 cột mốc phụ (đạt 60%) và 38/210 cọc dấu (đạt khoảng 18%), xây dựng được 214 cột mốc phụ và 13 cọc dấu. Trên tuyến biên giới đã có các tỉnh Kon Tum, Bình Phước và Đồng Tháp hoàn thành việc xây dựng các cột mốc chính và phân giới trên thực địa.
+ Hiện hai bên vẫn đang tiếp tục giải quyết 07 đoạn biên giới tồn đọng chưa phân giới, cắm mốc; tiếp tục trao đổi giải quyết 06 khu vực chưa hoàn thành hoán đổi theo mô hình MOU thuộc địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Long An;…
Biên giới quốc gia vừa được xem là cơ sở pháp lý vừa là nền tảng vật chất, tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Bất kỳ nước nào cũng rất xem trọng việc xác định biên giới quốc gia một cách rõ ràng, minh định, phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế. Do đó, với những thành quả đạt được trong công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng có thể được xem là thắng lợi chung của các nước; và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các bên./.
NV-TH