“Chia sẻ kinh nghiệm về công tác vận động viện trợ Phi chính phủ nước ngoài và sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 Cụm 4”
Sáng 29/06/2022, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm về công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022” của Cụm số 4 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương (gồm 9 tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang).
Tham gia đồng chủ trì hội nghị gồm ông Đỗ Việt Hà - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh (Cụm trưởng), ông Trương Minh Nhật - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bến Tre (Cụm phó), ông Nguyễn Thành Trí - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai (Cụm phó); cùng sự góp mặt tham dự của bà Trần Thị Thu Thủy - Nguyên trưởng Đại diện Văn phòng phía Nam Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó trưởng Ban điều phối viên trợ nhân dân (PACCOM) - tham dự qua hình thức trực tuyến, đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số 4 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể, các Hội Hữu nghị thành viên,… của tỉnh Bến Tre.
Ông Trương Minh Nhựt, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bến Tre
- Cụm phó Cụm 4 phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó trưởng Ban điều phối viên trợ nhân dân (PACCOM) đã thông tin đến các đại biểu về tình hình công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) 6 tháng đầu năm; đưa ra những lưu ý, những vấn đề cần quan tâm cho công tác vận động PCPNN 6 tháng cuối năm, trong đó nhấn mạnh các ưu tiên quan trọng của năm 2022 cần thực hiện đó là giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ giáo dục đào tạo, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học sinh trong đại dịch Covid-19, hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ ý tế, hỗ trợ các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho ngành y tế,... đồng thời bà Kim Dung cũng yêu cầu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương cần chủ động nghiên cứu các tổ chức viện trợ phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương; chủ động vận động, tuyên truyền, thông tin truyền thông với các tổ chức viện trợ PCPNN.
Đồng tình với ý kiến phát biểu của bà Đỗ Thị Kim Dung, bà Trần Thị Thu Thủy - Nguyên trưởng Đại diện Văn phòng phía Nam cũng yêu cầu các tổ chức Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương thay đổi quan điểm, cách thức, định hướng vận động viện trợ PCPNN; cần có sự cạnh tranh trong công tác vận động viện trợ PCPNN nhằm thúc đẩy tính sáng tạo, năng lực của các tổ chức trong công tác vận động viện trợ PCPNN để thu hút các nhà tài trợ viện trợ vào địa phương của tỉnh mình; đồng thời cần phải giữ được uy tín và vai trò của tổ chức, cá nhân đối với các nhà tài trợ; song song đó cần phải xây dựng chương trình dự án phù hợp, đúng với yêu cầu khuôn mẫu của nhà tài trợ đưa ra.
Bà Trần Thị Thu Thủy chia sẻ kinh nghiêm về công tác vận động viện trợ PCPNN
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và công tác đối ngoại nhân dân tại các địa phương. Trong đó, bà Trần Thị Kim Vân - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Dương đã có một số chia sẻ về những kết quả mà Liên hiệp Bình Dương đã đạt được, nhấn mạnh việc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Dương đã phải chủ động trong việc phối kết hợp, vận dụng nhân lực, nguồn lực từ nhiều đơn vị để triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại nhân dân. Bằng cách làm đó đã giúp cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Dương thoát khỏi hạn chế và khó khăn về điều kiện nhân lực, đồng thời triển khai thực hiện được nhiều chương trình, hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Bà Trần Thị Kim Vân chia sẻ kinh nghiệm về công tác đối ngoại nhân dân
của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Dương
Kết thúc buổi hội nghị, ông Đỗ Việt Hà - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh - Cụm trưởng Cụm 4, đã ghi nhận các ý kiến đóng góp và chia sẻ của các đơn vị, đồng thời yêu cầu các Liên hiệp trong cụm cần học hỏi, giao lưu, phát huy những điểm hay, điểm tích cực mà các Liên hiệp đã chia sẻ tại hội nghị cũng như từng bước khắc phục những điểm còn yếu kém, hạn chế, để từ đó đưa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương của Cụm 4 nói riêng và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói chung càng ngày càng phát triển và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
TTH